Hòn non bộ là bộ môn nghệ thuật đã có từ lâu đời, phát triển tại Trung Quốc và lan truyền vào Việt Nam. Non bộ mô tả lại những thế núi thật từ thiên nhiên, có thể kết hợp thêm cây cảnh, hồ cá… vừa giúp trang trí không gian vừa mang nhiều yếu tố phong thủy.
Để có thể cho ra đời những tác phẩm non bộ đẹp, thì người nghệ nhân cần nắm vững nhiều quy tắc, cả về phong thủy, lẫn tạo hình non bộ, nước, điện… Vậy quy trình, kỹ thuật làm non bộ như thế nào, ở bài viết này chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu :
Non bộ có thể được làm bởi nhiều chất liệu đá như đá vàng, đá tai mèo, đá san hô, đá da voi… ở đây chúng ta sẽ lấy đá san hô làm chất liệu thi công :
Với những người chơi non bộ lâu năm, thì đá tự nhiên luôn là lựa chọn hàng đầu khi muốn làm hòn non bộ, vì chúng thể hiện được cái hồn của tác phẩm. Bản chất của non bộ là mô phỏng lại những ngọn núi hùng vĩ ngoài thiên nhiên, vì thế đá tự nhiên rõ ràng là sự lựa chọn chính xác nhất.
Đầu tiên, chúng ta chuẩn bị các nguyên liệu như : đá san hô, xi măng, đá xanh, lưới mắt cáo, gạch thẻ…
Bước 1 : tạo hình cho non bộ, dùng đá và xi măng để dựng thế núi. Nếu có thêm thác nước thì chúng ta dùng ống nhựa, máy bơm để tạo dòng chảy.
Bước 2 : dùng lưới mắt cáo lắp song song với non bộ, lưới này có thể bẻ quặt lại, mục đích là tạo khoảng trống xây hang động cho cá bơi.
Bước 3 : dùng hồ trộn với xi măng để đắp lên phần lưới mắt cáo này, tạo dáng sườn núi tự nhiên. Ở khâu này yêu cầu tay nghề tạo hình của nghệ nhân phải vững, để có thể tạo được những thế núi đẹp, sát với tự nhiên.
Bước 4 : trang trí thêm cho hòn non bộ, thường sẽ trồng cây như cây tùng, cây sanh, cây da, cây si… hoặc lắp đặt thêm bóng đèn để non bộ lung linh hơn vào buổi tối.
Bước 5 : đi dây diện cho máy bơm, nếu có hệ thống lọc có thể test thử chất lượng nước, đảm bảo cá có thể sống tốt.
Lưu ý : khi đắp non bộ, chúng ta chỉ chọn những số lẻ để đắp ngọn như 1,3,5 ngọn, chứ ko dùng số chẵn 2,4,6… Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về 1 số thế núi thường được dùng để đắp non bộ :
Thế độc phong : đúng với tên gọi, nó chỉ có duy nhất một ngọn, đứng sừng sững, hiên ngang, phù hợp với người mạnh mẽ, kiêu hãnh.
Thế đa phong : đây là thế núi khá phổ biến trong nghệ thuật non bộ sân vườn, gồm nhiều ngọn theo số lẻ, tạo hình trùng điệp, giống như các dãy núi thật ngoài đời.
Thế kỳ phong : gồm 1 ngọn núi đứng tách ra so với dãy núi, tạo sự bí ẩn, tò mò.
Thế thăng long : hay còn gọi là “ rồng bay lên trời “, gồm nhiều chớp núi cao, thế núi ngoằn nghèo, hiểm trở, thể hiện sự bứt phá, vươn lên.
Thế lập chương : cũng là thế được nhiều gia chủ ưa chuộng, vì chúng có đoạn bằng phẳng, cũng có đoạn nhấp nhô, tái hiện lại cuộc đời của mỗi người chúng ta.
Như vậy qua bài viết này, chúng ta đã được tìm hiểu thêm về kỹ thuật thi công hòn non bộ đá san hô. Với các loại đá tự nhiên khác, cách làm cũng gần như tương tự. Cần thiết kế thi công hòn non bộ đá tự nhiên, hãy liên hệ ngay với Sân Vườn Sài Gòn để được tư vấn khảo sát.